Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ sáu, 26/6/2015, 17:14 (GMT+7)

Hàng nghìn người hưởng ứng lời kêu gọi tiếp máu

Khoảng 400 người đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mỗi ngày xin hiến máu, khi thông tin ngành y thiếu máu để truyền cho bệnh nhân lan rộng. Trước đây trung bình chỉ khoảng 35 người xin hiến máu mỗi ngày.

Từ đầu tháng 6 đến nay, Viện Huyết học luôn trong tình trạng báo động thiếu máu điều trị. Để đáp ứng máu cho người bệnh, Viện đã phải huy động máu từ các địa phương như Bắc Kạn, Đăk Lăk, Đăk Nông… vận chuyển bằng máy bay, ôtô, với lượng máu tiếp nhận được trên 1.000 đơn vị. Viện cũng kêu gọi cộng đồng tham gia công tác tình nguyện này. 10h sáng ngày 26/6, Viện Huyết học tấp nập người đến cho máu. 

Trong tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày đường dây nóng của Viện tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đến xin hiến máu của nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị. Lượng người hiến máu tăng 5-7 lần. Các điểm hiến máu tổ chức tại cơ quan, đơn vị, số người cho máu cũng tăng gấp 2-3 lần. 

Đang trong thời gian nghỉ làm sau khi mổ mắt, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 24 tuổi tranh thủ từ Long Biên lên Viện Huyết học hiến máu. Đây là lần thứ 4 cô gái trẻ hiến máu tình nguyện, 3 lần trước là từ hồi sinh viên. 

Biết Viện Huyết học đang thiếu máu nhóm O và A nên Mai Hương rủ cậu em họ cùng đi hiến máu. "Em máu nhóm A, bệnh viện đang thiếu, các chị cứ lấy được bao nhiêu thì lấy", Hương bày tỏ. Tuy nhiên các bác sĩ chỉ định cô cho 250 ml, là lượng máu hiến phù hợp với cân nặng của cô. Đây là lần thứ ba Mai Hương tham gia hiến máu tình nguyên. 

Có con mắc bệnh máu thường xuyên điều trị tại Viện Huyết học nên anh Nguyễn Việt Hùng (38 tuổi, Long Biên, Hà Nội) hiểu hơn ai hết được nhu cầu máu của người bệnh. "Từ khi mới sinh, bé nhà mình đã được chẩn đoán bị giảm tiểu cầu, nên cứ đều đặn một tháng cháu phải vào viện. Khi nào có điều kiện, tôi đều tranh thủ đi hiến máu", anh Hùng nói. 

Các chế phẩm máu sau khi được lấy từ người cho sẽ được vận chuyển đến các khoa phòng tiến hành xét nghiệm định lại nhóm máu, xem có nhiễm các loại virus lây qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai... Sau công đoạn chuẩn bị, các túi máu sẽ được đưa vào hệ thống máy ly tâm tự động để tạo thành các phân lớp của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu, mỗi quốc gia cần tối thiểu 2% dân số hiến máu. Hiện chúng ta mới chỉ có hơn 1,1% dân số hiến máu, như vậy là chưa đủ". Tình trạng khan hiến máu là nỗi lo thường trực của các trung tâm truyền máu, nhất là vào mùa hè. 

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên cứ mỗi tháng một lần anh Hoàng Ngọc Chấn, 30 tuổi, từ Yên Bái lại lên Viện Huyết học để được truyền máu. Đợt này do bệnh viện khan hiếm máu nhóm A nên anh Chấn đã phải chờ 5 ngày mà vẫn chưa có máu để truyền. “Nhìn những giọt máu được truyền vào cơ thể mỗi bệnh nhân như tôi đều cảm thấy ấm lòng. Có em còn nói với tôi ‘có máu là no rồi, không cần ăn cơm nữa’… Vì thế, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác rất cảm ơn những con người đã chia sẻ với chúng tôi giọt máu đào", anh Chấn tâm sự. 

May mắn hơn anh Chấn, vì có nhóm máu O nên sáng 26/6, anh Lò Văn Hoàng (35 tuổi, Sơn La) đã được truyền đơn vị máu thứ hai. Mỗi lần điều trị, anh thường được truyền 3 đơn vị máu vào 3 ngày liên tiếp. Đợt này vì khan hiến máu, nên cách 2 ngày anh mới được truyền tiếp máu. 

Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hiện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu máu điều trị, có những dự trù vẫn đảm bảo được 100% nhu cầu như nhóm máu B, nhóm máu AB. Hiện nay, tỷ lệ máu nhóm A đã tăng lên 10%, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, nhóm máu O đáp ứng trên 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ máu nhóm A vẫn còn rất thấp. 

Nam Phương