Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 20/10/2013, 10:28 (GMT+7)

Chiến thắng của những phụ nữ ung thư vú

Họ từng sợ hãi, đau đớn khi biết mắc căn bệnh quái ác, nhưng đã vượt qua chính mình để tiếp tục đấu tranh giành sự sống và truyền sức mạnh đó tới những người khác.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1965 tại Hải Phòng. Năm 18 tuổi, chị bị tai nạn phải cưa mất một chân. Chị đã kiên trì tập luyện và đi được bằng chân giả. 5 năm trước, chị như chết lặng khi biết mình bị ung thư vú. "Bị cụt chân và ung thư vú nhưng tôi có người chồng tuyệt vời và hai con ngoan", chị tâm sự. Cứ 5h sáng hàng ngày, anh chị lại cùng đạp xe quanh hồ Tam Bạc để rèn luyện sức khỏe, trò chuyện. 

Sau khi bị cưa chân và điều trị ung thư vú, chị Ngọc trải qua nhiều công việc, từ thợ may, làm tóc, bán hàng. Hiện tại, chị làm nhiệm vụ chăm sóc khách hàng cho một hãng điện thoại tại Hải Phòng. Chị hài lòng với công việc và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi việc. 

Điều trị ung thư vú khiến mái tóc rụng hết, nhưng chị không lấy làm buồn mà tự tạo cho mình phong cách rất "ngầu". 

Chị Ngọc và chiếc chân giả gắn bó bao năm. Nhìn chị với nụ cười thường trực trên môi, không ai nghĩ chị đã vượt qua bao đau đớn, sợ hãi... của bệnh tật. 

Tế bào ung thư di căn vào xương khiến chị đau nhức, yoga cho chị sức khỏe và sự tĩnh lặng trong tâm hồn. "Bạn cần tự chăm sóc sức khỏe và cứu lấy bản thân, trước khi trông chờ vào người khác", người phụ nữ đã chiến thắng được nỗi sợ hãi bệnh tật của chính mình nhắn nhủ.

Vốn luôn tự hào về mái tóc dài của mình, Hương (sinh năm 1989), quê Vĩnh Phúc đã cắt tóc ngắn trước ngày bắt đầu vào viện điều trị ung thư vú (15/1/20013). Cô gái 24 tuổi tự nhận trước đây không quan tâm lắm tới sức khỏe, thấy như "sét đánh ngang tai" khi nghe thông báo bị căn bệnh này lúc tuổi đời còn quá trẻ. 

Giờ Hương đã quen với mái tóc ngắn của mình, lúc nào cũng thích gội đầu, thích đứng trước gương. Hương thử vuốt keo xem có cá tính và phù hợp với gương mặt rạng rỡ này không. Nhiều người từng ngạc nhiên khi bắt gặp cô luôn một mình đi chữa bệnh ở Bệnh viện K, với nụ cười thường trực trên môi.

Cô gái trang điểm trước khi ra ngoài đi chơi với bạn. Đã phẫu thuật và xạ trị, ngay vừa kết thúc đợt điều trị, Hương bắt đầu tìm kiếm công việc. Thời gian điều trị dài vừa qua khiến cô phải tạm dừng hết mọi việc. 

Hương rạng rỡ với mái tóc giả mới. Từ khi tham gia Mạng lưới ung thư vú Việt Nam do Thương Sobey - một phụ nữ ung thư vú giai đoạn 4 sáng lập, Hương hay tham gia các hoạt động tuyên truyền giúp phụ nữ nhận thức được căn bệnh này để biết cách phát hiện sớm. "Hãy luôn yêu và lắng nghe cơ thể mình", cô gái nhắn nhủ. 

Hình ảnh bà Đào Thị Huệ (Vũ Thư, Thái Bình) 67 tuổi, khá thân thuộc với những bệnh nhân ung thư vú đã và đang điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội). Người phụ nữ không chồng, không con này bao năm điều trị tại bệnh viện đã giúp không ít phụ nữ tìm lại được niềm tin vào cuộc sống và chiến thắng được nỗi sợ hãi để đấu tranh với bệnh tật. 

"Hai năm điều trị ở viện, cũng nhiều đêm tôi khóc thầm, chân tay đau rụng rời nhưng tôi luôn cố gắng tự động viên chính mình cho qua những cơn đau. Gặp được chị em cùng cảnh như mình, tôi luôn cố gắng giúp đỡ, động viên họ. Nhiều chị em nhờ có những câu nói của tôi đã ổn định được tinh thần để chữa bệnh", người phụ nữ mang căn bệnh ung thư vú chia sẻ. 

Ngoài thời gian điều trị, bà Huệ chăm sóc các bệnh nhân cùng cảnh với mình. Bón từng miếng cơm, dìu từng bước đi, tâm sự chia sẻ chuyện nhà... và quan trọng hơn, bà mang đến cho mọi người những tiếng cười xua tan nỗi đau bệnh tật. "Còn ngày nào sống, phải vui, và chiến đấu đến cùng", bà chia sẻ. 

Các bức ảnh được trưng bày trong triển lãm "Ngày hội nơ hồng" của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, hôm 19/10.

Minh Thùy